Nevus Ota là một rối loạn sắc tố da, phổ biến ở người châu Á, đặc trưng là mảng tăng sắc tố màu xanh, xám trên mặt, được báo cáo đầu tiên bởi bác sĩ Ota của Nhật Bản vào năm 1939.
Nevus Ota thường chỉ xuất hiện ở một bên mặt, hiếm khi xuất hiện cả 2 bên mặt.
Thường gặp ở nữ giới (gấp 5 lần nam giới), hiếm gặp ở người da trắng.
Khoảng 50% các trường hợp Nevus Ota xuất hiện trước 1 tuổi, và phần còn lại xuất hiện trong độ tuổi dậy thì.
CHẨN ĐOÁN
Trên lâm sàng, Nevus Ota biểu hiện như một mảng sắc tố màu xanh hoặc màu xám ở một bên mặt, các vị trí thường gặp như: quanh mắt, thái dương, gò má, mũi, kết mạc mắt...
HÌNH ẢNH MÔ HỌC
Xuất hiện các tế bào hắc tố nằm rải rác giữa các bó collagen ở lớp bì nông
NGUYÊN NHÂN (chưa rõ)
ĐIỀU TRỊ
Nevus Ota là bệnh da lành tính, nếu không được điều trị thì các tổn thương thường sẽ không thay đổi trong suốt cuộc đời của bệnh nhân, các tổn thương cũng có thể làm sậm màu hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Trong những năm trước, phương pháp áp lạnh, cắt bỏ, ghép da, bào mòn da thường được sử dụng trong điều trị Nevus Ota, tuy nhiên để lại rất nhiều di chứng như sẹo xấu.
Điều trị Nevus Ota bằng Laser QS Nd YAG 1064 là phương pháp tối ưu nhất hiện nay, có thể loại bỏ gần như hoàn toàn các thương tổn trên mặt.
Laser QS Nd YAG 1064 có thể xuyên sâu xuống lớp bì, tiêu diệt các tế bào hắc tố mà không làm tổn thương bề mặt của da, bệnh nhân điều trị bằng laser không cần nghỉ ngơi sau điều trị.
Tác dụng phụ có thể gặp: tăng sắc tố sau viêm, giảm sắc tố, sẹo, tái phát.
Điều trị Nevus Ota cần kiên trì, số lượt điều trị có thể hơn 30 lượt (kéo dài từ 1-3 năm), mức độ cải thiện tỉ lệ thuận với số lượt điều trị.
Trong điều trị Nevus Ota, mình thấy phác đồ của Bs Hoon Hur có hiệu quả khá tốt, mọi người có thể tham khảo thêm bên cạnh phác đồ của hãng máy.
Nevus Ota không phải là bệnh lý ác tính, tuy nhiên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ( bị bạn bè kì thị ở một số bệnh nhi, mặc cảm về ngoại hình ở thiếu nữ tuổi trưởng thành...)
NEVUS OTA CÓ THỂ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ CẢI THIỆN RẤT NHIỀU HOẶC KHỎI HOÀN TOÀN và nên được điều trị càng sớm càng tốt
No comments:
Post a Comment